Vàng là một trong những kim loại được sử dụng rộng rãi nhất nhờ vai trò quan trọng đối với giới đầu tư và tiêu dùng trên thế giới. Dù vàng không còn được sử dụng như một đồng tiền tại các nước phát triển, nó vẫn tác động mạnh tới giá trị của những đồng tiền khác. Hơn thế nữa, có một sự liên kết chặt chẽ giữa giá trị của vàng và của những đồng tiền giao dịch trên thị trường ngoại hối.

Để minh họa cho mối liên hệ giữa kinh doanh vàng và ngoại hối, chúng ta cần xem xét năm khía cạnh quan trọng sau:

1. Vàng đã từng được dùng như một đồng tiền định danh

Ngay từ thời La Mã, vàng đã được sử dụng bên cạnh tiền định danh (1), hay những đồng tiền chỉ thực sự hợp pháp tại quốc gia mà nó xuất xứ. Vàng gần như được sử dụng như đồng tiền dự trữ của thế giới trong suốt thế kỷ 20; Hoa Kỳ đã trải qua thời kì sử dụng bản vị vàng (2) cho đến tận năm 1971, khi Tổng thống Nixon từ bỏ bản vị vàng.

(1) Fiat money – tiền định danh/tiền pháp định: những đồng tiền (giấy) mà chất liệu làm ra nó không có mấy giá trị nhưng được đảm bảo bằng một lượng tài sản có giá trị cất giữ ở một nơi an toàn.

(2) Bản vị vàng: chế độ tiền tệ mà phương tiện tính toán kinh tế tiêu chuẩn được ấn định bằng hàm lượng vàng, Dưới chế độ bản vị vàng, tổ chức phát hành tiền mặt (ở dạng giấy bạc hay tiền xu) cam kết sẵn sàng nhận lại tiền mặt và trả vàng nếu được yêu cầu).

Một trong những lý do sử dụng vàng đó là các quốc gia không thể tự ý in thêm vàng. Điều này là do từ trước đến nay, các nước chỉ có nguồn cung vàng giới hạn. Khi kết thúc thời kì bản vị vàng, các quốc gia cũng không thể in tiền giấy một cách bừa bãi trừ khi họ sở hữu một lượng vàng tương đương. Mặc dù bản vị vàng không còn được sử dụng tại các nước phát triển, một số nhà kinh tế cho rằng chúng ta nên trở lại lại thời kì này do sự biến động của đồng đô la Mỹ và các ngoại tệ khác.

2. Vàng được sử dụng để tránh lạm phát

Các nhà đầu tư thường mua vàng với số lượng lớn khi đất nước trải qua thời kì lạm phát cao. Nhu cầu về vàng tăng suốt thời gian lạm phát do giá trị của chúng ít biến động và do nguồn cung hạn chế. Cũng nhờ giá trị ổn định, vàng có khả năng giữ giá trị tốt hơn nhiều so với các hình thức tiền tệ khác.

Vào tháng Tư năm 2011, các nhà đầu tư lo ngại giá trị đồng tiền phát định sụt giảm, và giá vàng đã lên tới $ 1,500/ounce. Điều này cho thấy khó có thể đặt niềm tin vào đồng tiền danh nghĩa do rất khó có được sự ổn định kinh tế trong dài hạn.

3. Giá vàng ảnh hưởng đến các quốc gia xuất nhập khẩu vàng

Giá trị đồng tiền của một quốc gia gắn chặt với giá trị kim ngạch xuất nhập khẩu. Khi một quốc gia nhập khẩu nhiều hơn xuất khẩu, đồng bản tệ sẽ giảm giá. Mặt khác, giá trị đồng tiền sẽ tăng khi một quốc gia đạt được thặng dư xuất khẩu. Như vậy, giá trị đồng tiền của một quốc gia xuất khẩu vàng, hoặc có nguồn dự trữ vàng sẽ tăng khi giá vàng tăng, do điều này làm tăng giá trị tổng kim ngạch xuất khẩu của quốc gia đó.

Nói cách khác, sự tăng giá vàng có thể tạo ra thặng dư hoặc bù đắp thâm hụt thương mại. Ngược lại, giá trị đồng tiền của các quốc gia nhập khẩu vàng lớn chắc chắn sẽ giảm khi giá vàng tăng. Ví dụ, các quốc gia chuyên sản xuất các sản phẩm làm bằng vàng, nhưng thiếu dự trữ vàng, sẽ trở thành các quốc gia nhập khẩu vàng lớn. Do đó, các quốc gia này đặc biệt nhạy cảm với việc tăng giá vàng.

4. Mua vàng thường làm giảm giá trị của đồng tiền

Việc các ngân hàng trung ương mua vàng sẽ ảnh hưởng đến cung cầu đồng nội tệ và có thể tác động tới lạm phát. Điều này chủ yếu xuất phát từ thực tế là các ngân hàng dựa trên việc in thêm tiền để mua vàng, điều này khiến cung tiền dư thừa. (Lịch sử phong phú của vàng xuất phát từ khả năng duy trì giá trị trong dài hạn của chúng).

5. Giá vàng thường được dùng để đo lường giá trị của một loại tiền tệ, tuy nhiên cũng có ngoại lệ

Nhiều người nhầm tưởng chỉ có thể dùng vàng để định giá tiền tệ của một quốc gia. Rõ ràng mối quan hệ giữa giá vàng và giá trị của một đồng tiền không hẳn luôn là mối quan hệ ngược chiều như nhiều người vẫn nghĩ.

Một ví dụ cho thấy, nếu một ngành công nghiệp đòi hỏi trữ lượng vàng lớn để sản xuất, thì điều này sẽ khiến giá vàng tăng. Tuy nhiên điều này sẽ không mấy tác động tới đồng bản tệ. Ngược lại, đồng bản tệ vẫn có thể có giá trị cao tại thời điểm đó. Như vậy, mặc dù giá vàng thường được dùng để phản ánh giá trị của một đồng tiền, các điều kiện khác đều cần được phân tích để xác định xem liệu mối quan hệ ngược chiều đó có thực sự phù hợp.

Ý nghĩa

Vàng có tác động sâu sắc tới giá trị các đồng tiền trên thế giới. Mặc dù bản vị vàng đã không còn được sử dụng, vàng vẫn là loại hàng hóa đặc biệt có thể được dùng thay thế cho các đồng tiền khác và được sử dụng như một rào chắn hiệu quả chống lại tình trạng lạm phát. Không nghi ngờ gì khi nói rằng vàng sẽ tiếp tục đóng một vai trò không thể thiếu trên thị trường ngoại hối. Vì vậy, vàng là một kim loại quan trọng với khả năng đặc biệt làm phong vũ biểu cho sức khỏe nền kinh tế khu vực và trên thế giới.

Theo Giavang.net

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *