6 tháng đầu năm nay các NHTW mua ròng 193,3 tấn vàng, tăng 8% so với con số 178,6 tấn cùng kỳ. Khối lượng vàng mà các NHTW mua ròng trong nửa đầu năm như vậy cao nhất tính từ năm 2015.

Sau khi giảm không ngừng trong suốt 6 tháng qua và như vậy có chuỗi thời gian giảm giá dài nhất trong gần 3 thập kỷ, giá vàng nhiều khả năng đã chạm đáy và chuẩn bị bật tăng trở lại, theo nhận định đưa ra bởi MarketWatch.

Trong thời gian qua, giá vàng thấp đã khiến cho Ngân hàng Trung ương các nước đẩy mạnh mua vàng. Ngoài ra, các diễn biến trong ngành khai mỏ cũng cho thấy ngành chuẩn bị phục hồi.

Trong tháng 9/2018, giá vàng giao kỳ hạn giảm 0,9%, từ tháng 3/2018 đến nay, giá vàng chưa hề tăng. Tính từ đầu năm đến hiện tại, giá vàng đã giảm khoảng 8%, vào phiên ngày thứ Tư, giá vàng đóng cửa ở mức 1.202,90USD/ounce.

Phó chủ tịch điều hành tại GoldMining, ông Jeff Wright, nhận định: “Tôi cho rằng giá vàng đã giảm xuống mức sàn hoặc cũng gần như vậy”. Ông cũng chỉ ra hoạt động dự trữ vàng của các Ngân hàng Trung ương hiện cao nhất trong 3 năm. Giá vàng giao kỳ hạn gần nhất giảm xuống mức 1.184USD/ounce vào giữa tháng 8/2018, mức thấp nhất trong 19 tháng.

Ông Wright phân tích các Ngân hàng Trung ương không mua vàng chỉ bởi giá vàng giảm. Trong bối cảnh căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc ngày một tồi tệ hơn và việc Anh rời khỏi Liên minh châu Âu (EU) khiến cho nhu cầu đối với vàng tăng lên. Việc Mỹ, Mexico và Canada gần đây thông báo đạt được thỏa thuận thương mại sẽ khiến cho tình hình bớt căng thẳng, áp lực lên giá vàng vì vậy giảm bớt.

Số liệu thống kê của Hội đồng Vàng thế giới (WGC) cho thấy trong 6 tháng đầu năm nay các Ngân hàng Trung ương mua ròng 193,3 tấn vàng, khối lượng mua như vậy tăng 8% so với con số 178,6 tấn cùng kỳ năm trước. Khối lượng vàng mà các Ngân hàng Trung ương mua ròng trong nửa đầu năm như vậy cao nhất tính từ năm 2015.

Theo WGC, Ba Lan mua thêm 1,9 tấn vàng trong tháng 9/2018 và thêm 7,5 tấn vàng khác trong tháng 8/2018. Khối lượng mua vàng vào như trên không lớn, thế nhưng thông thường các Ngân hàng Trung ương châu Âu bán vàng chứ không mua, theo chuyên gia thuộc tổ chức Macquaire viết trong nghiên cứu vào tháng 9/2018. Ba Lan như vậy đã mua ròng vàng lần đầu tiên từ năm 1998.

Giám đốc điều hành tại Central Banks & Public Policy thuộc WGC, bà Natalie Dempster, chỉ ra động thái của các Ngân hàng Trung ương cho thấy một số nước đang muốn giảm nắm giữ đồng USD trong bối cảnh biến động chính trị và thương mại toàn cầu đang có nhiều diễn biến bất lợi.

Chắc chắn, vàng vẫn có lý do để chịu không ít tác động tiêu cực. Trưởng bộ phận chiến lược đầu tư tại US Bank, ông Rob Haworth, đưa ra quan điểm thận trọng về giá vàng và cho rằng giá vàng sẽ vẫn giảm trong khoảng thời gian còn lại của năm.

Ông tin rằng đồng USD sẽ vẫn mạnh lên khi Fed tiếp tục thắt chặt chính sách tiền tệ và tăng trưởng kinh tế Mỹ vẫn vững.

Ngoài các yếu tố gây áp lực lên giá vàng như trên, tháng 10 hàng năm thường là tháng suy giảm của vàng. Số liệu của Dow Jones Market Data cho thấy tính từ năm 1990, giá vàng thường giảm trung bình 1,27% trong các tháng 10.

Dù vậy, chuyên gia khác khẳng định xu thế của đồng USD có thể sẽ sớm thay đổi, vì vậy giá vàng sẽ được hỗ trợ. Fed đang tiến gần hơn đến việc giảm bớt tốc độ thu hẹp bảng cân đối kế toán, điều này sẽ hạn chế bớt sự tăng giá của đồng USD. Chính vì vậy, chuyên gia tin rằng sẽ không ngạc nhiên khi giá vàng sẽ chạm mức 1.350USD/ounce trong những quý tới.

Theo Bizlive

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *